Khi người ta nói đến giá trị thị trường hay tổng giá trị thị trường hay market cap của một tài sản đầu tư, người ta thường nghĩ rằng giá trị đó là tổng giá trị thật của tài sản đó. Nhưng thực tế thì không phải như vậy. Giá trị thực là giá trị mà lợi ích của tài sản đó mang lại, còn giá trị thị trường thì chỉ phản ánh xu thế nhất thời của thị trường tại một điểm giá giao dịch với một số lượng giao dịch nhất định. Nó không phản ánh toàn bộ giá trị thị trường.
Nhưng đánh giá giá trị thật của một loại tài sản đầu tư không hề dễ dàng mà có thể nói là rất phức tạp. Còn tính giá trị thị trường nghe có vẻ hay ho, hấp dẫn hơn và tính toán ra nó cũng đơn giản hơn. Nhưng điều này rất nguy hiểm. Để dễ hiểu chúng ta cùng xem xét một ví dụ cụ thể như sau: Giả sử giá một Bitcoin ở thời điểm hiện tại có giá là $66,461.62 và tổng số Bitcoin hiện đang lưu hành trên thị trường là 19,713,600 Bitcoin và để tính giá trị thị trường người ta lấy $66,461.62 nhân với 19,713,600.00 ra được con số $1,310,197,826,930. Nhưng thực tế chỉ có 0.005 Bitcoin được giao dịch với giá $66,461.62 thôi. Tức là có một ai đó mua 0.005 Bitcoin và có người bán ra cùng số lượng đó Bitcoin và giao dịch được khớp. Nhưng nếu có người bán ra 1000 Bitcoin với giá đó thì nó còn thừa những 999.995. Nhưng chừng đó Bitcoin phải bán ra thì những người có nhu cầu bán khác muốn bán được sẽ phải giảm giá bán của mình xuống, và cứ như thế nó có thể đẩy giá bán xuống thấp hơn nếu như không có thêm nhu cầu mua thêm tương ứng. Bởi thế nếu không cẩn thận, khi thị trường đang ổn định mà có một ai đó đặt mua chỉ 0.000001 Bitcoin nhưng với giá $1,000,000.00 chúng ta sẽ có tổng giá trị thị trường là 19,713,600,000,000.00, tức hơn 19 triệu tỷ đô la. Chà một con số khủng khiếp đúng không. Tất nhiên thực tế thì Bitcoin có nhiều người giao dịch nên market cap như vậy sẽ không giữ được lâu, vì nếu đưa ra mức giá không hợp lý thì chỉ một lúc sau sẽ có những giao dịch khác phù hợp hơn khiến cho mức giá trở lại quỹ đạo bình thường của nó. Nhưng với những coin hoặc token lạ hoắc có rất ít sàn giao dịch chấp nhận thì người ta có thể đẩy giá nó lên cao được trong khoảng khá lâu vì nếu có người thích thì cũng mất khá lâu để có thể kịp bán ra với giá thấp hơn. Thậm chí bán thấp hơn nhưng cũng phải đợi rất lâu mới có người muốn mua với giá đó.
Khi tài sản càng có ít người quan tâm và ít người giao dịch người ta càng dễ thao túng nó để đẩy giá nó lên cao. Đây cũng là lý do mà khi phát hành token mới, một số lượng lớn sẽ bị khóa lại và chỉ còn một số ít được lưu thông, đồng thời người ta sẽ dùng truyền thông để thúc đẩy nhu cầu khiến nhu cầu mua nhiều trong khi có quá ít người bán khiến giá của nó không thấp xuống được. Nhưng đến khi nhiều coin/token không còn bị khóa nữa mà được giải phóng thì giá của nó xuống thật thảm hại. Đây cũng là lý do chúng ta nên cân nhắc kỹ khi mua vào token/coin trong những giai đoạn sớm. Khi đó rủi ro là chúng ta mua nó với giá cao, có thể sau đó giá được đẩy lên cao hơn nhưng coin/token của chúng ta vẫn bị khóa cho đến khi hết khóa thì giá đã xuống rất thấp rồi.
Một yếu tố quan trọng khác là tổng giá trị thị trường khi toàn bộ lượng token/coin được phát hành. Tạm thời đầu tiên mình chỉ đề cập đến những dự án mà số lượng token/coin được phát hành là hữu hạn, mà chưa nói đến lượng cung không giới hạn. Ví dụ, một dự án dự định sẽ phát hành 1 tỷ token nhưng thời gian ban đầu nó sẽ phát hành khoảng 10 triệu token trong đó có 9.9 triệu bị khóa trong vòng 1 năm. Như vậy chỉ có 100 ngàn token được lưu thông nếu được truyền thông tốt có thể có nhiều người muốn mua và lượng token có thể lưu thông ít khiến nhiều người chấp nhận mua với giá cao. Giả sử người ta chấp nhận mua với giá $10/token thì market cap hiện thời sẽ là 10 triệu nhân với $10 là 100 triệu đô la. Nhưng giả sử nó sẽ dần dần phát hành hết 1 tỷ token trong vòng 10 năm, lúc đó tổng giá trị thị trường với giá token không đổi sẽ là $10 nhân với 1 tỷ token tức là market cap lúc đó là 10 tỷ đô la, giá trị này gọi là Fully Diluted Value hay gọi tắt là FDV tức là tổng giá trị thị trường sau khi đã hoàn toàn giải phóng toàn bộ số coin/token. Chúng ta thấy Bitcoin có tổng số coin sau khi được giải phóng hết là 21 triệu coin, nhưng thời gian để giải phóng đến mức đó rất lâu và mỗi năm chỉ thêm một ít và số lượng thêm lên càng ngày càng ít đi khiến cho nó càng ngày càng trở nên khan hiếm. Cho đến nay đã có hơn 19 triệu Bitcoin mà đến hơn 100 năm nữa mới có được 21 triệu nên FDV của Bitcoin cũng không khác lắm so với market cap hiện thời của nó. Vì nó đi đầu nên ai cũng biết Bitcoin và nhu cầu của nó rất cao khiến giá trị thị trường của nó rất lớn. Nhưng những dự án sau này dù hay ho cũng sẽ rất khó thu hút được nhiều người quan tâm. Bởi thế, sẽ rất nhiều dự án sẽ dành cho các VC có nhiều token/coin giải phóng sớm và số lượng token/coin phát hành nhiều nhưng những nhà đầu tư nhỏ lại bị khóa lâu điều này sẽ khiến chúng ta thiệt hại khi số lượng được giải phóng nhiều mà nếu dự án không tốt sẽ khiến giá trị sụt giảm nhanh chóng.
Những dự án trong giai đoạn đầu có rất ít giá trị. Chúng ta có rất ít bằng chứng để đảm bảo rằng dự án tạo được nhiều giá trị trong tương lai. Mặc dù hầu hết các dự án đều có white paper công bố trước cách thức hoạt động và triển khai nhưng sẽ còn bao nhiêu rủi ro mà chúng ta không thể dự do đoán trước được. Ví dụ, thị trường thay đổi người dùng không cần những dịch vụ đó nữa, hay một dự án khác có giải pháp khác tốt hơn, hay nhóm phát triển không thể triển khai theo như ý tưởng và kế hoạch,… hay nhóm phát triển không có đủ kinh phí hoạt động, hay tiến độ triển khai quá chậm đến khi làm xong thì thị trường đã có nhiều thứ hay hơn… nhiều lắm. Mà khi dự án chưa hoàn thành, nó có rất ít giá trị. Ví dụ, Polkadot là dự án có ý tưởng rất hấp dẫn, kế hoạch cũng OK, những người sáng lập có thành tựu trong quá khứ. Thế nhưng, nó triển khai quá chậm, cho đến nay những gì nó làm được thì có quá nhiều những dự án khác đã làm còn tốt hơn, và nhu cầu của khách hàng đã thay đổi. Điều này khiến nó không được triển khai như kế hoạch. Kế hoạch của nó là thu hút các nhà phát triển để tạo ra những blockchain dựa trên nền tảng của nó nhưng, những gì nó mang lại cho nhà phát triển là những công cụ rời rạc, phức tạp khiến có quá ít nhà phát triển tham gia, do đó có quá ít tiện ích cho người dùng, điều này cũng khiến cho thanh khoản trong nó cũng quá ít để khiến có thể thu hút người dùng. Bởi thế mặc dù được quảng cáo rất mạnh, chi phí nhiều cho truyền thông mà kết quả vẫn chưa có gì tiến bộ.
Tương tự như vậy, chúng ta nếu không xem xét kỹ rất có thể trở thành bữa trưa cho những cá voi cá mập hoặc trở thành mồi câu.